Category Archives: Trẻ con

Các bài liên quan đến nuôi, dạy và chơi với trẻ con

Sự phát triển của vị thành niên

Vị thành niên (adolescence) là giai đoạn bắt đầu với tuổi dậy thì và kết thúc khi chuyển sang tuổi trưởng thành (khoảng 10–20 tuổi). Những thay đổi về thể chất liên quan đến tuổi dậy thì được kích hoạt bởi các hormone. Những thay đổi về nhận thức bao gồm: cải thiện khả năng tư duy phức tạp và trừu tượng, cũng như tốc độ phát triển khác nhau của các phần khác nhau của não bộ. Điều này làm tăng khả năng vị thành niên có những hành vi mạo hiểm, bởi vì lòng mong muốn tìm kiếm cảm giác mạnh và sự tán thưởng lại phát triển trước khả năng kiểm soát nhận thức.

Continue reading

Phân biệt: thành niên, thanh niên, vị thành niên

Người ta chia các nhóm tuổi từ nhiều góc độ khác nhau: góc độ pháp lý, văn hóa xã hội, tâm lý, v.v. Các cách chia này có sự chồng lấn và không phải lúc nào cũng có ranh giới rõ ràng. Dưới đây là một số nội dung liên quan (sẽ được cập nhật), để các bố mẹ biết để phân biệt.

Theo luật pháp Việt Nam

  • Trẻ em: dưới 16 tuổi (theo Luật Trẻ em)
  • Thanh niên: từ đủ 16 đến 30 tuổi (theo Luật Thanh niên)
  • Thành niên: từ đủ 18 tuổi trở lên (theo Luật Dân sự). Người thành niên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Các khái niệm văn hóa xã hội

  • Vị thành niên (còn gọi là thanh thiếu niên, adolescent, teenage): độ tuổi 10-19 tuổi (WHO quy định). Khác với Thành niên là khái niệm chặt chẽ theo luật Dân sự, khái niệm Vị thành niên không chặt chẽ.
  • Thiếu niên: từ 9/10 tuổi đến dưới 16
  • Nhi đồng: từ 5/6 tuổi đến 9/10
  • Thiếu nhi là thiếu niên + nhi đồng. Khái niệm Thiếu nhi nằm trong khái niệm Trẻ em trong Luật Trẻ em (dưới 16)

Các giai đoạn

Sơ sinh (infant) – Tuổi thơ (childhood) – Thanh thiếu niên, tuổi trẻ (adolescence, youth) – Người lớn (adulthood)

Bảng tuần hoàn hóa học kèm minh họa

Bảng tuần hoàn hóa học tiếng Việt có hình minh họa sinh động và dễ hiểu, gồm phiên bản Bằng hình ảnh và phiên bản Bằng chữ, bổ trợ cho nhau. Các độc giả có thể download ảnh về và sử dụng dưới dạng bản mềm, hoặc in ra đến khổ giấy A3. Rất hữu ích cho lớp học cũng như gia đình. Nếu muốn file có độ phân giải cao hơn để in khổ to hơn, xin download pdf ở cuối bài.

Continue reading

Phân biệt: khả năng, năng lực, kỹ năng, tài năng

Khả năng (ability)

Là từ chung nhất, thể hiện việc một người có thể làm và hoàn thành một việc nào đó. Việc đó có thể rất nhỏ, là một kỹ năng hay thậm chí một phần của kỹ năng (sub-skill); và cũng có thể rất to. Ví dụ khả năng làm cách mạng.

Khi nói đến việc lớn, khả năng thường bao gồm cả ý chí, thái độ – là những thứ cần thiết bên cạnh năng lực để có thể làm xong việc. Khả năng có nghĩa rộng, nên có thể áp dụng không chỉ cho cá nhân mà còn cho một nhóm: “khả năng của công ty chúng ta”.

Tài năng (talent)

Tài năng là những đặc tính (quality) đặc biệt, bẩm sinh, không thể có được chỉ bằng cách học. Chúng cũng đươc gọi là khả năng đặc biệt. Ví dụ khả năng tưởng tượng. Nếu vẽ là kỹ năng cứng, thì cộng với tài năng tưởng tượng, “nhìn” sự vật theo cách đặc biệt, có thể cho ra một danh họa.

Tài năng cần được học tập để trở thành kỹ năng, để tạo ra một khả năng làm ra những sản phẩm xuất sắc. Ví dụ có người có tài viết nhưng không đủ kỹ năng thì chỉ lóe sáng chứ không trở thành nhà văn xuất chúng với sự nghiêp đồ sộ được.

Kỹ năng (skill)

Là đơn vị nhỏ nhất, chỉ ra một người có thể làm được việc gì đó. Vì là đơn vị cơ bản, nên người ta có thể liệt kê danh sách các kỹ năng và tìm cách dạy. Kỹ năng có thể chia làm hai loại:

Kỹ năng cứng là kỹ năng làm việc với các sự vật, tức là có tính chất kỹ thuật. Có thể đánh giá được.

Kỹ năng mềm là kỹ năng làm việc với tâm lý con người. Khác với đồ vật, ta không thể tác động trực tiếp lên con người, mà chỉ có thể tạo ảnh hưởng đến họ để mong họ làm điều ta muốn. Vì thế, kỹ năng mềm khó đánh giá và phụ thuộc vào tình huống cụ thể. Ví dụ, một người được coi là có kỹ năng đàm phán giỏi có thể không thành công trong tình huống mà người có kỹ năng đàm phán kém hơn lại ăn, vì cùng có sở thích với đối phương.

Trong những tình huống làm việc với con người nhưng không phải với tâm lý, thì ta nói về kỹ năng cứng. Ví dụ kỹ năng phẫu thuật.

Kỹ năng mềm có thể chia làm 2 nhóm:

  • Kỹ năng làm việc với tâm lý người khác: thuyết trình, đàm phán, lãnh đạo, v.v.
  • Kỹ năng làm việc với tâm lý bản thân: quản lý thời gian, quản lý cảm xúc, áp lực, v.v.

Năng lực (competency)

Năng lực là khả năng làm một việc gì đó chung hơn, khó xác định rõ ràng hơn so với kỹ năng. Ví dụ năng lực tư duy độc lập, năng lực xác định và giải quyết vấn đề. Nó đòi hỏi kết hợp nhiều kiến thức, kỹ năng và cả thái độ tiếp cận vấn đề.

Như vậy, năng lực là khái niệm trừu tượng hơn so với kỹ năng. Năng lực không thể dạy trực tiếp được, mà phải gián tiếp thông qua các kỹ năng cứng, mềm và môi trường thực hành phù hợp. Ví dụ năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, năng lực nghiên cứu khoa học.

Ghi chú

Các khái niệm trên không có định nghĩa chặt chẽ. Trên đây chỉ là một cách giải thích nhằm cung cấp thêm một cách phân biệt hữu ích.

Phim khiêu dâm: Khủng hoảng sức khỏe cộng đồng thời đại số

Giới thiệu: ở VN thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ lam dụng tình dục mà trẻ em là nạn nhân. Vấn đề này có thể tiếp cận tìm hiểu từ nhiều góc độ. Bài viết Pornography: The Public Health Crisis of the Digital Age của Psychology Today (ra 9 ngày trước, 15/4/2021) cho ta thêm thông tin và công cụ để tham gia giải quyết vấn đề xã hội phức tạp này, nhất là với phụ huynh của các bé nam.

Continue reading

Phim citizen Kane: câu chuyện chấn thương tâm lý trẻ thơ

Bộ phim “Công dân Kane” kể về một người cả đời đi tìm sự yêu thương, vì đã mất nó lúc còn ấu thơ. Vì có nhiều tiền, nên anh đã đi tìm yêu thương bằng cách bắt mọi người yêu quý mình mà bản thân anh không hề ý thức được. Cuối cùng, anh chết trong cơ độc với hoài niệm về những ngày hạnh phúc ngắn ngủi thời thơ ấu, đã phải kết thúc nhanh chóng khi bố mẹ giao anh cho người khác nuôi.

Continue reading

Nói chuyện với học sinh về chính trị như thế nào?

Lời người dịch. Thời điểm này, ở Nga đang dấy lên phong trào phản đối việc chính quyền bắt giữ và xử tù bất công những người bất đồng chính kiến, xuất phát từ việc nhà hoạt động đối lập Alexey Navalny bị đầu độc (nghi là bởi chính quyền) và bị bắt khi quay trở về Nga. Mặc dù phe đối lập không kêu gọi đối tượng học sinh, nhưng rất nhiều học sinh bày tỏ quan điểm đồng tình với phe đối lập và muốn tham gia các hoạt động phản đối. Chính quyền buộc tội phe đối lập kích động trẻ nhỏ, và triển khai một loạt biện pháp răn đe ở các trường học. Cũng cần nói thêm, mặc dù chính quyền buộc tội phe đối lập lôi kéo trẻ em tham gia chính trị, nhưng có hàng loạt bằng chứng cho thấy chính đảng cầm quyền của Putin (đảng Nước Nga Thống nhất) tích cực đến các trường học để tuyên truyền, lôi kéo cho mình.

Bài viết này (tiếng Nga) của giáo viên lịch sử Tamara Eidelman đăng 24/2/2021 bày tỏ quan điểm về việc các thầy cô giáo nên làm gì trong tình huống phức tạp và tranh cãi này. Xét thấy các quan điểm này rất hay và có thể áp dụng trong việc giảng dạy các môn xã hội nói chung (lịch sử, giáo dục công dân, xã hội học, v.v.), nên tôi dịch nguyên văn để bạn đọc tham khảo.

Continue reading

Danh mục các hành vi cần điều chỉnh ở trẻ

Danh sách các hành vi thường ngày không mong muốn của trẻ em mà ta cần điều chỉnh (challenging behaviors), do Yale Parenting Center (Yale University) lập và có phương pháp can thiệp.

  • Not complying with parental requests – không thực hiện các yêu cầu của bố mẹ
  • Having a bad attitude – thái độ không tốt
  • Speaking offensively or harshly – có lời lẽ xúc phạm, thô bạo
  • Breaking things – đập phá đồ đạc
  • Having catastrophic tantrums – làm mình làm mẩy, lên cơn tức giận quá mức
  • Showing disrespect – tỏ ra không tôn trọng
  • Being careless in playing with siblings – tỏ ra vô cảm khi chơi cùng anh chị em
  • Stealing – ăn cắp đồ
  • Arguing – cãi cọ
  • Lying – nói dối
  • Hitting peers, parents, teachers, or principals – hành hung bạn, bố mẹ, thầy cô giáo
  • Confronting others – hay đương đầu với mọi người
  • Bullying – bắt nạt
  • Fussy eating – khảnh ăn
  • Playing disruptively with peers – chơi đùa một cách bạo lực với bạn
  • Not sharing – không biết chia sẻ
  • Not engaging in self-care (bathing, brushing teeth, getting dressed) – lười chăm sóc vệ sinh cá nhân (tắm, đánh răng, mặc quần áo)
  • Not going to bed on time – không đi ngủ đúng giờ
  • Breaking curfew – vi phạm chế độ giờ giấc, không giữ lời
  • Not letting parents know where you are – không cho bố mẹ biết mình đang ở đâu
  • Not taking medicine – không chịu uống thuốc
  • Not socializing with other children – không hòa đồng với các bạn

Review sách: Cha mẹ độc hại

Skybooks phát hành, 2018

Con cái được dạy và định hướng bởi xã hội rằng chúng phải yêu quý, biết ơn, nghe lời, phục tùng bố mẹ gần như tuyệt đối. Có một câu nói rất phổ biến và được tung hô nhiều “đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Đó là câu nói không đúng và nguy hiểm vì gây ảo tưởng.

Trong cuốn “cha mẹ độc hại” (toxic parents), tác giả nêu ra và phân tích các loại cha mẹ bạo hành và gây tổn thương tâm lý suốt đời cho con trẻ, bao gồm các loại cha mẹ kiểm soát từng li từng tý, bạo hành lời nói, thể xác, tình dục, v.v. Sau đó, ở phần 2, tác giả đưa ra các hướng dẫn để người đọc-nạn nhân tự chữa lành cho mình, hoặc đi tìm sự trợ giúp.

Có một điểm cần lưu ý là tác giả tỏ thái độ gay gắt hơi quá đối với các bố mẹ trong câu chuyện, và đánh giá động cơ hành vi của họ là tiêu cực. Có thể đó là vì tác giả muốn đẩy sự phẫn nộ của người đọc lên cao trào, ngõ hầu vượt qua được rào cản tâm lý về bố mẹ mình. Trong thực tế, có thể các bố mẹ có động cơ tốt, muốn tốt cho con cái nhưng đã hành động theo cách gây tổn thương cho chúng.

Tác giả cũng chỉ ra sai lầm của Freud (như Alice Miller đã chỉ ra) cho rằng các chuyện lam dụng tình dục là do trẻ con tưởng tượng ra chứ không có thật. Sai lầm này đến nay vẫn còn gây ra hậu quả là những chuyện như vậy bị che giấu hoặc bỏ qua.

Nếu bạn không phải là nạn nhân của bạo hành gia đình thuở nhỏ, thì cũng nên đọc để biết để có cách yêu thương và chăm sóc con cái đúng, và giúp những người đã từng bị tổn thương.

Tác giả có dẫn 2 cuốn sách nổi tiếng của nhà tâm lý học Alice Miller, Prisoners of Childhood và For Your Own Good – các độc giả nên tìm đọc để hiểu rõ hơn các cơ chế tâm lý trong vấn đề bạo hành và gây tổn thương cho trẻ nhỏ.

Tham khảo bài review tiếng Việt chi tiết hơn.

Ai cần nghe lời ai?

Khi có tâm sự, người lớn muốn nói và được ai đó lắng nghe. Họ không muốn bị cắt ngang dù là bằng những lời khuyên thông thái. Cho nên gọi là trút bầu tâm sự. Vậy mà người lớn, nhất là bố mẹ và thầy cô, lại ít khi cho trẻ giãi bày. Họ hầu như ngay lập tức chấm dứt câu chuyện và đưa ra những kết luận, nhận định hay lời khuyên mà theo họ là trẻ cần.

Đó là vì người lớn hiểu rõ vấn đề mà trẻ gặp phải, biết tỏng lời giải, nên đưa ra luôn. Nhiều phần là có ý tốt. Nhưng làm như vậy, họ đã bỏ mất một số điểm quan trọng:

  • Hiểu được cảm xúc của trẻ trong chuyện đó, vì tuy vấn đề là giống nhau, nhưng cảm xúc thì lại rất riêng – đứa trẻ thấy hoang mang, bất công hay tội lỗi?
  • Hiểu được trình tự tư duy của trẻ – tại sao chúng lại nghĩ thế, làm thế. Cũng như cảm xúc, mỗi đứa trẻ có một logic tư duy riêng mà người lớn nên tìm hiểu.
  • Cho trẻ cơ hội rèn luyện trình bày
  • Cho trẻ cơ hội tự tìm ra giải pháp, nhờ những câu hỏi của người lớn.

Người lớn không nên tự cho rằng mình đã biết tất cả và đưa ra ngay một phán quyết đầy thuyết phục. Ngược lại, luôn cần tò mò tìm hiểu cảm xúc và tư duy của đứa trẻ, đặt những câu hỏi mang tính khám phá, để giúp trẻ làm chủ cảm xúc, quan sát, suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Tất nhiên là mất công, nhưng rất đáng để làm, vì những lúc trẻ có tâm sự là lúc chúng học được nhiều. Nếu người lớn không chủ động giúp chúng học, thì chúng cũng sẽ học được gì đó mà có thể không phải là thứ người lớn muốn.

Câu “nghe lời” nên dành cho người lớn hơn là cho trẻ con. Người lớn cần nghe nhiều hơn, nói ít hơn. Hãy để trẻ nói, và hãy hỏi để chúng nói nhiều hơn nữa. Nếu không, sau này đừng kêu tại sao bọn trẻ không chịu chia sẻ.

Bạn có đang nghe lời con cái hay học trò của mình?