Ý lực (conation) là gì?

Tâm lý học xác định và nghiên cứu ba thành phần của tâm trí (trilogy of mind): nhận thức (cognition), tình cảm (affect) và ý lực (conation – tiếng Trung là 意动 – Ý Động). Nhận thức là quá trình biết và hiểu – mã hóa, lưu trữ, xử lý và truy xuất thông tin. Nó thường được liên kết với câu hỏi “what” (ví dụ: chuyện gì đã xảy ra, chuyện gì đang xảy ra, ý nghĩa của thông tin đó là gì.)

Continue reading

Top 100 nhà tâm lý học của thế kỷ 20

Năm 2002, tạp chí Review of General Psychology đã xếp hạng 100 nhà tâm lý học lỗi lạc nhất thế kỷ 20. Việc xếp hạng dựa trên tần suất xuất hiện của ba yếu tố: trích dẫn trong các tạp chí, trích dẫn trong các sách giáo khoa nhập môn TLH, và kết quả khảo sát. Khảo sát đã được gửi tới 1.725 thành viên của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), đề nghị liệt kê những nhà tâm lý học hàng đầu của thế kỷ.

Continue reading

Cảm xúc và Bánh xe Cảm xúc

Cảm xúc (emotion) là gì?

Cảm xúc được định nghĩa là một giai đoạn gồm những thay đổi đồng bộ của trạng thái của tất cả hoặc hầu hết 5 tiểu hệ cơ thể, như một lời đáp sau khi tâm trí đánh giá một sự kiện kích thích bên ngoài hoặc bên trong mà có liên quan đến mối quan tâm chính của cơ thể. Năm tiểu hệ (thành phần) là:

Continue reading

Mở ra đối thoại

Nếu được hỏi, bố mẹ nào cũng nói – thật lòng – là mình luôn sẵn sàng nói chuyện với con. Nhưng trên thực tế họ lại thường hay đóng lại cuộc đối thoại, thay vì mở ra để tiếp tục trò chuyện.

Đó là vì, khi trẻ cảm thấy vướng mắc và bắt chuyện với bố mẹ, thì chúng ta có xu hướng đưa cho chúng lời khuyên (chí lí!) thay vì lắng nghe và tìm hiểu cảm xúc của chúng. Hay khi trẻ có tâm trạng tiêu cực như cáu kỉnh, bực bội, thì chúng ta có xu hướng phản ứng theo kiểu giải thích xem ai có lỗi, hoặc thuyết phục trẻ là vấn đề của chúng không quan trọng. Một khi làm vậy, chúng ta sẽ khép lại cuộc đối thoại, thay vì tiếp tục mở nó ra.

Một cách để không rơi vào tình trạng trên là tránh dùng “you-statement”, tức là tránh bắt đầu câu bằng cụm từ “con phải…, con nên…”. Thay vào đó, ta dùng “i-statement” để diễn tả cảm xúc của bản thân – “bố cảm thấy…”. Tránh đưa ra các phán định (judgement). Đặt các câu hỏi để tìm hiểu thông tin một cách khách quan (inquiry) chứ không phải các câu hỏi kiểu chất vấn, hay để dẫn dắt đến kết luận mà mình đã định sẵn.

Một điều nên tránh nữa: không để rơi vào fact tennis – khi hai bên đưa ra các fact để củng cố cho quan điểm của mình để cố giành phần thắng. Chúng ta thường rơi vào tình trạng này một cách vô thức, do đó cần gọi tên nó ra để bắt đầu kiểm soát ở tầng ý thức.

Bố mẹ cần sẵn sàng làm ‘thùng chứa cảm xúc’ cho con. Chúng có nhu cầu quan trọng rằng bố mẹ có mặt ở bên, biết và chấp nhận những cảm xúc của chúng đồng thời không thấy đó là gánh nặng cho mình. Tương tự như việc các nhà trị liệu tâm lý làm với thân chủ của họ.

(Một vài nội dung từ sách The Book You Wish Your Parents Had Read, của Philippa Perry. Minh họa: sketchplanations.com)

Anna Politkovskaya. LIÊN XÔ LÀ GÌ?

Anna Politkovskaya (1958-2006) là nhà báo Nga, người đã sớm nhìn ra mặt thật của Putin và cảnh báo về tương lai của nước Nga. Bà đã bị ám sát tại nhà riêng ở Moskva vào đúng ngày sinh của Putin. Bài viết này của bà nói về việc những mầm dịch bệnh của Liên xô vẫn tiếp tục phát triển trong nước Nga mới thời Putin, và trên thực tế đang được khẳng định, khi Nga tiến hành xâm lược Ukraina và tuyên truyền rộng rãi trong nước về quá khứ ‘tốt đẹp’ thời Liên xô. Nội dung bài viết cũng đúng cho những thể chế kiểu Liên Xô.

Continue reading

Arkadiy Dobkin, founder của EPAM: “Đừng bao giờ nên tắt não”

Giới thiệu: EPAM là công ty dịch vụ IT phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay. Năm 2022, EPAM đạt doanh thu 4.8 tỷ USD. Năm 2023, EPAM xếp thứ 13 (tăng 3 hạng) trong danh sách 25 công ty dịch vụ IT có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới. EPAM là một trong số các hình mẫu mà FSOFT muốn tìm học.
Bên cạnh đó, hóa ra công ty có một nhà sáng lập từ Belarus và một lịch sử hình thành rất thú vị. Tôi xin dịch và giới thiệu bài phỏng vấn đầu năm 2019 trên trang Bolshoi.by đến các độc giả quan tâm.

Continue reading

Giới thiệu sách: Cơ thể không bao giờ nói dối, của Alice Miller

Alice Miller (1923-2010) là nhà tâm lý học, tác giả viết sách gốc Do Thái, sinh ở Ba lan và thành danh ở Thụy sỹ. Với 12 đầu sách về chủ đề chấn thương tâm lý thời thơ ấu, bà được cho là đã làm đảo lộn hai thế giới: thế giới của quan hệ cha mẹ – con cái và thế giới của phân tâm học. Bà đã chỉ ra rằng, thứ nhất, hệ thống các quan niệm truyền thống và điển hình về mối quan hệ cha mẹ-con cái không chỉ sai lầm, mà còn là một hệ thống các ảo tưởng rất nguy hiểm, mà việc đi theo nó sẽ dẫn các quá trình phát triển nhân cách vào ngõ cụt đau đớn. Và thứ hai, những quan niệm phân tâm học truyền thống về các vấn đề của quan hệ con cái-cha mẹ và phương tiện giải quyết chúng cũng ảo tưởng và sai lầm nốt, và không thể là cơ sở cho liệu pháp tâm lý hiệu quả. Đến nay thì hai chủ đề trên cũng không còn mới, nhưng vào thời điểm đầu những năm 198x khi cuốn Bi kịch của đứa trẻ tài năng – cuốn sách đầu tay của Miller – ra mắt, nó đã gây chia rẽ và tranh cãi kịch liệt.   

Continue reading

Vai trò thiết yếu của Chứng nhân Khai sáng trong xã hội

Giới thiệu của DatPP: bài viết ngắn của A. Miller giải thích về 2 khái niệm quan trọng trong lý thuyết của bà: chứng nhân giúp đỡ (helping witness) và chứng nhân khai sáng / giác ngộ (enlightened witness).

Continue reading

Các giả định hữu ích cho người dạy

Bài viết của Seth Godin, ngắn gọn về những điều quan trọng nhất mà một giáo viên (hoặc bất kỳ ai muốn giảng dạy, chia sẻ) cần chú ý và thực hiện luôn luôn. Tôi bổ sung thêm bình luận liên quan đến quá trình học tập ở FCT Club (CLB Tài năng Lập trình FPT Software), vì cám thấy rất gần gũi.

Bài này cũng rất bổ ích với những người làm đào tạo ở các tổ chức, các doanh nghiệp, vì nó giúp xác định đúng vấn đề và nâng cao hiệu quả.

Các giả định hữu ích cho giáo viên (Useful assumptions for teachers)

Không chỉ áp dụng cho lớp học, mà bất cứ nơi nào chúng ta muốn phổ biến gì đó, truyền cảm hứng, hay giáo dục ai đó:

Giả định về sự cam kết (enrolment). Một người hoặc là cam kết cho việc học, hoặc không. Nhiều khi tình huống khiến mọi người phải có mặt, nhưng hầu như không thể dạy tốt nếu người ta không quan tâm học. Nếu mọi người không có sự cam kết, thì công việc đầu tiên là thay đổi điều đó. Nếu bạn đang phải lo lắng rằng họ sẽ lướt phây hay rời đi, thì thật khó để làm tốt công việc.

Bình luận: nếu người học ko có sự cam kết, ko có động lực để học, thì kết quả hầu như không có, đặc biệt là khi khả năng kiểm soát của thầy rất hạn chế như học online. Đôi khi cũng cần một thời gian để thay đổi người học từ chỗ không muốn sang muốn. Nếu thầy có quyền chọn, thì nên loại bỏ những người học không cam kết. Ở FCT Club, đây là tiêu chí đầu tiên để chọn và lọc.

Giả định về ý định tốt (good intent). Đây là người anh em của cam kết. Nếu bạn đang lo lắng rằng ai đó sẽ sử dụng AI để viết luận, thì nhiều khả năng là bạn sẽ dành toàn bộ thời gian để xây tường thay vì bắc những cây cầu.

Bình luận: người học có thể có cam kết nhưng do bị sức ép chứ ko tự nguyện, do đó có thể tìm cách đi tắt, gian lận, v.v. Nếu người thầy và tổ chức phải tìm cách để phát hiện và ngăn chặn các hành vi này, thì sẽ không có đủ nhiều thời gian cho việc dạy. Ở FCT không có điểm số, và không khuyến khích học viên chạy theo thành tích ngắn hạn mà thay vào đó là chủ động “nhận dốt” để học được nhiều.

Giả định về nỗi sợ. Học hỏi tạo ra thay đổi, và thay đổi thì gây sợ hãi. Thêm vào đó, chúng ta đều ngu ngốc ngay trước khi hiểu ra bài học… chúng ta biết rằng có thể làm được gì đó, nhưng chúng ta không (chưa) biết cách làm. Khi thấy nghi ngờ, hãy tìm xem nỗi sợ nằm ở đâu.

Bình luận: nếu tự nguyện, thì học là một quá trình đem lại sự thỏa mãn, đem lại niềm vui vì thấy mình tiến bộ. Tuy nhiên cũng có khi người học tỏ ra khác lạ, né tránh, v.v. thì thầy nên tìm hiểu tại sao, ko nên chỉ trích hoặc nhanh chóng đưa ra những lời khuyên, những yêu cầu chấn chỉnh.

Giả định về việc thiếu ngữ cảnh (lack of context). Lý do bạn ‘biết’ gì đó là vì bạn biết điều đó. Bạn hiểu cái gì có trước, cái gì kế tiếp, nó hoạt động như thế nào, ngôn ngữ trong lĩnh vực của bạn là gì (cả từ ngữ và khái niệm). Nếu bạn đang dạy gì đó mới, thì bạn không thể chắc chắn rằng người nghe cũng biết như thế. Hãy dành nhiều thời gian hơn cho ngữ cảnh và ít thời gian hơn cho các mẹo và các gạch đầu dòng. Làm vậy sẽ tạo điều kiện để hiểu bài.

Bình luận: theo lẽ tự nhiên, người ta học là vì một bài toán, một hiện tượng gì đó trong cuộc sống mà họ quan tâm. Nhưng nhiều khi bối cảnh này bị lược bỏ mà nhảy ngay vào việc phát biểu một bài toán chung và giải pháp. Giúp người học hiểu được chuỗi giải pháp đi từ bài toán cuộc sống thì hơn là thuộc các công thức hay mẹo mực, vốn chỉ để có được điểm cao.

Giả định về kết nối. Một số người cho rằng việc học có thể được thực hiện một mình, trong tòa tháp, với một cái laptop. Nhưng trên thực tế, cho đến khi ta tương tác với những người khác hoặc hệ thống khác, thì tất cả những gì chúng ta đã làm chỉ là tiếp thu, chúng ta vẫn chưa hiểu.

Bình luận: người học cần áp dụng các tri thức học được, thông qua việc tham gia với những người khác để làm gì đó (nếu là kỹ năng) hoặc tranh luận gì đó (nếu là kiến thức). Như vậy sẽ tránh được kiểu học thuộc lòng, vì bắt buộc phải dùng ngôn từ của riêng mình.

(Seth Godin. Useful assumptions for teachers)